Những ai không nên massage ?

Ngày đăng 18/08/2022 14:41

Massage là liệu pháp chăm sóc sức khỏe được đánh giá cao bởi tính an toàn, không có tác dụng phụ vì liệu pháp này chỉ tác động vật lý vào bên ngoài cơ thể; không xâm nhập như sử dụng thuốc hay các hình thức trị liệu khác.

Kỹ thuật massage cơ bản là sử dụng lực ở đôi bàn tay hoặc một số bộ phận cơ thể khác như đầu gối, khuỷu tay, gót chân…để thực hiện các động tác xoa bóp, đấm, vỗ, vuốt, miết, day, ấn…tác động lên các vị trí, khu vực cơ thể cần thiết; giúp khí huyết lưu thông tốt hơn; tăng cường các chức năng hoạt động của các cơ quan, bộ phận cơ thể; giúp phục hồi năng lượng; ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý về xương khớp, tim mạch, hô hấp, tiêu hóa…

Chính vì có những lợi ích đáng kể đã được ghi nhận và đánh giá cao nên liệu pháp massage ngày càng được nhiều người lựa chọn để chăm sóc và nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, mặc dù massage rất an toàn và phù hợp với nhiều đối tượng, từ người lớn tuổi đến thanh thiếu niên; từ nam giới đến phụ nữ; song vẫn có một số trường hợp không nên áp dụng liệu pháp này một cách thường xuyên bởi có thể gặp những hệ lụy không mong muốn.

Những ai không nên massage ?

Cụ thể, đối với những người bình thường, các bạn cũng cần chú ý có những thời điểm không nên thực hiện massage như khi vừa ăn no nếu massage sẽ không tốt cho tim mạch, dạ dày; phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt cũng không nên áp dụng các động tác massage mạnh, nếu bị đau bụng kinh hay mỏi mệt, chị em chỉ nên thực hiện một số động tác massage nhẹ nhàng như xoa, vuốt ở vùng bụng, lưng.

Bên cạnh đó, các bạn lưu ý khi tự massage cho mình và người thân, tránh không tác động vào những vị trí nhạy cảm như đốt sống, cột sống, khớp xương, mạch máu lớn…vì rất dễ gây tổn thương và đau đớn.

Ngoài ra, có một số trường hợp bị mắc các bệnh lý sau đây cũng không nên massage:

•    Người mắc bệnh ngoài da: nếu massage sẽ dễ làm lây lan vi khuẩn, vi trùng gây bệnh và xâm nhập vào cơ thể khiến bệnh nặng hơn.

•    Người có vết thương hở, nhiễm trùng, mưng mủ…: massage sẽ làm vết thương bị ảnh hưởng, lâu lành lại.

•    Người bị gãy xương, trật khớp và có bệnh lý về xương khớp như u xương, viêm tủy xương…cũng không nên massage vì sự tác động một lực dù là nhẹ hay nặng cũng làm tổn thương xương nặng thêm.

•    Người bị bệnh liên quan đến các cơ quan nội tạng như tim, phổi, thận, gan…đều không nên massage vì áp lực của các động tác massage sẽ khiến các cơ quan nội tạng càng thêm suy yếu.

•    Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối của thai kỳ cần đặc biệt cẩn thận khi massage bởi nguy cơ động thai, sinh non.

•    Người thể trạng suy nhược: những người sức khỏe yếu, thân thể suy nhược rất mong manh, dễ bị đau đớn và tổn thương thì không nên massage.

Như vậy, trước khi áp dụng liệu pháp massage, các bạn nên tìm hiểu để tránh hoặc có cách massage phù hợp để đạt hiệu quả mong muốn, không bị phản tác dụng.