Rối loạn tiêu hóa là một căn bệnh rất phổ biến, với biểu hiện là hoạt động bài tiết ở dạ dày và ruột bị xáo trộn. Nguyên nhân gây ra rối loạn tiêu hóa chủ yếu là do ăn uống không điều độ, phù hợp; do căng thẳng thần kinh kéo dài; một số trường hợp là do các bệnh lý đường ruột như viêm ruột, kiết lỵ, táo bón…
Bệnh rối loạn tiêu hóa có nhứng triệu chứng thường gặp như: chán ăn, trào ngược dịch vị, ợ hơi, nôn và buồn nôn, tiêu chảy, căng cứng bụng, đau bụng, đau dưới xương ức…Bên cạnh đó là các biểu hiện của rối loạn thần kinh như: đau nhức đầu, mất ngủ, căng thẳng, hồi hộp, hay quên…
Vì rối loạn tiêu hóa ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tiêu hóa và hấp thu dưỡng chất, cũng như đến thần kinh nên người mắc chứng bệnh này thường có sức khỏe yếu, cơ thể suy nhược, hao mòn; thần thái bơ phờ, lo âu, mệt mỏi, khó chịu…
Mặc dù rối loạn tiêu hóa bị đánh giá là căn bệnh dai dẳng và khó chữa trị, song phương pháp massage bấm huyệt của y học cổ truyền có thể mang lại những lợi ích rất đáng kể, có thể giúp ngăn ngừa bệnh và hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả.
Massage bấm huyệt bằng cách tác động vào các vị trí, huyệt đạo cần thiết để kích thích chức năng của ruột, dạ dày, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Massage cũng giúp cơ thể thoải mái, dễ chịu, nâng cao sức đề kháng để đẩy lùi triệu chứng bệnh; giúp xoa dịu thần kinh để người bệnh thư giãn và ổn định tinh thần.
Cách massage điều trị rối loạn tiêu hóa như sau:
• Massage mặt: Để người bệnh ở tư thế nằm ngửa. Người thực hiện massage đặt hai ngón tay cái ở vị trí giữa trán bệnh nhân rồi xoa, day nhẹ nhàng từ giữa trán ra đến hai bên thái dương trong 2 phút. Tiếp tục massage, day ấn vào vị trí hai bên thái dương 2 phút.
• Massage bụng: Đặt bàn tay lên giữa bụng người bệnh, ngón tay cái chĩa ra một bên và các ngón tay còn lại chĩa ra bên đối diện, sao cho các ngón tay như hình cái kẹp. Sau đó, dùng ngón tay cái và các ngón tay kia kẹp da bụng người bệnh, kéo căng lên rồi thả ra. Lặp lại động tác trong 1 phút.
Động tác massage bụng tiếp theo là đặt hai bàn tay đề lên nhau ở vị trí rốn người bệnh, xoa nhẹ nhàng, chậm rãi theo hình tròn từ rốn di chuyển rộng ra hết vùng bụng trong 1 phút.
• Massage lưng-chậu: Bệnh nhân ngồi hơi nghiêng về trước; người thực hiện massage đặt hai tay lên hai bên hông người bệnh và làm động tác xoa, xát, miết mạnh lên hai bên hông xuống đến vùng xương chậu người bệnh trong 2 phút.
Để áp dụng phương pháp massage trị rối loạn tiêu hóa hiệu quả, người bệnh cần được thực hiện ít nhất mỗi ngày từ 1-2 lần, kéo dài cho đến khi các triệu chứng đỡ dần.
Lưu ý không thực hiện massage ngay sau khi ăn no hoặc lúc đang đói; người bệnh nên hạn chế bia rượu và các thức ăn cay nóng, hoặc gây lạnh bụng trong thời gian điều trị; giữ tinh thần thư giãn, thoải mái; thường xuyên vận động thể chất…