Bàn chân nói chung và gót chân nói riêng là bộ phận cơ thể phải chịu áp lực khá lớn từ sự vận động và cân nặng cơ thể; đồng thời cũng là bộ phận xa tim nhất nên sự lưu thông máu đến chân không phải lúc nào cũng được đảm bảo nên rất dễ bị đau nhức, mỏi mệt.
Ngoài ra, đau gót chân còn do rất nhiều nguyên nhân thường gặp như đi bộ nhiều; đứng lâu một chỗ; đi giày cao gót, gót nhọn đối với chị em phụ nữ; bị chấn thương do vận động sai cách, tai nạ, chơi thể thao cường độ cao… Nguy hiểm hơn là tình trạng đau gót chân do các bệnh lý khiến gan bàn chân bị tổn thương như: bệnh viêm gân gót chân; bệnh lý bàn chân bẹt; hội chứng ống cổ chân; bệnh lupus ban đỏ…
Tình trạng đau gót chân có thể biểu hiện dữ dội, nhức nhối; hoặc âm ỉ, đau nhói từng cơn mỗi khi người bệnh vận động; nhưng dù ít hay nhiều thì đau gót chân cũng ảnh hưởng khá lớn đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh, khiến việc di chuyển, vận động gặp rất nhiều khó khăn.
Để trị chứng đau gót chân, ngoài các trường hợp do bệnh lý cần đi khám và chữa trị ở cơ sở y tế chuyên khoa; người bệnh có thể áp dụng vật lý trị liệu theo y học cổ truyền, cụ thể là massage bấm huyệt.
Massage bấm huyệt là phương pháp có tác dụng ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị giảm đau hiệu quả. Bằng cách tác động vào các vị trí, huyệt đạo cần thiết, massage giúp khí huyết lưu thông đến các bộ phận bị tổn thương để giúp phục hồi và giảm triệu chứng đau nhanh chóng.
Massage cũng là phương pháp rất đơn giản và an toàn, không có tác dụng phụ như sử dụng thuốc nên ngày càng được nhiều người áp dụng. Các bạn có thể làm theo hướng dẫn cách massage giảm đau gót chân sau đây:
- Xác định điểm đau bằng cách dùng ngón tay cái ấn nhẹ lần lượt vào các điểm trên gót chân, ở điểm đau nhất, các bạn dừng lại và day ấn nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ, sau đó tăng lực ấn mạnh dần lên trong khoảng 3 phút.
- Massage chỗ lõm lòng bàn chân vẫn bằng cách dùng lực ở ngón tay cái day ấn theo chuyển động tròn trong 3 phút, cho đến khi lòng bàn chân nóng ấm lên.
- Massage bằng cách xoay cổ chân: một tay đỡ phần gót chân, một tay nắm bàn chân xoay tròn nhẹ nhàng để giúp phần cơ xương khớp cổ chân thả lỏng và thư giãn; mang lại sự dễ chịu và giảm đau nhức.
- Massage chân với quả bóng tennis: người bệnh ngồi trên ghế, đặt lòng bàn chân đau lên quả bóng tennis và vừa lăn vừa ấn mạnh lên quả bóng từ lòng bàn chân đến gót chân.
Bên cạnh đó, các bạn hãy xác định vị trí các huyệt Dũng tuyền ở lòng bàn chân, huyệt Phong trì phía sau gáy, huyệt Túc căn ở cẳng tay; bấm các huyệt đạo này cũng có tác dụng giảm đau gót chân.
Đồng thời, để ngăn ngừa nguy cơ cơn đau tái phát, các bạn hãy chú ý một số vấn đề như: kiểm soát cân nặng để giảm áp lực lên gót chân; ngâm chân với nước ấm hàng ngày, tốt nhất vào buổi tối trước khi đi ngủ để cơ xương khớp ở chân được thả lỏng thư giãn, bền bỉ, dẻo dai; lựa chọn đôi giày phù hợp để bảo vệ sức khỏe đôi chân…