Massage bấm huyệt là liệu pháp cổ truyền của y học phương Đông; có rất nhiều lợi ích đáng kể đối với sức khỏe cơ thể từ thể chất đến tinh thần. Trải qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển, massage ngày càng được lan truyền rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới và được nhiều người ưa chuộng.
Rất nhiều nghiên cứu khoa học về massage bấm huyệt cũng như thực tế đã chứng minh những tác dụng đáng kể của phương pháp massage. Cụ thể là hỗ trợ giảm đau nhức, mệt mỏi; giúp thư giãn thần kinh, giảm nguy cơ và triệu chứng căng thẳng, stress; kích thích chức năng tuần hoàn, lưu thông khí huyết; cải thiện giấc ngủ; thải độc cơ thể; điều hòa huyết áp; giảm cân và giữu gìn nhan sắc tươi trẻ, ngăn ngừa lão hóa sớm…
Ngoài ra, massage còn có ưu điểm là rất an toàn, đơn giản và dễ thực hiện; bất cứ ai cũng có thể áp dụng liệu pháp massage mà không lo lắng về những tác dụng phụ như sử dụng các phương pháp xâm nhập khác. Không chỉ vậy, bất cứ ai cũng có thể tự áp dụng massage cho mình và người thân mà không nhất thiết phải đến với các cơ sở massage hay spa chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, để việc áp dụng massage mang lại hiệu quả như mong muốn, đòi hỏi người thực hiện phải nắm được quy trình massage đúng cách. Sau đây là hướng dẫn về 1 quy trình massage cơ bản để các bạn tham khảo:
- Trước hết là massage vùng đầu, mặt:
Ở khu vực đầu, các bạn chú ý các huyệt đạo quan trọng như huyệt Bách hội, Thiên trụ, Phong trì. Hãy dùng đầu ngón tay day ấn và bấm mạnh vào các vị trí huyệt cho đến khi cảm nhận các điểm huyệt nóng ran lên và hơi đau thì thả tay ra. Để massage, các bạn luồn ngón tay vào sát da đầu rồi vừa di chuyển vừa nắn bóp toàn bộ vùng đầu, từ phía trước trán ra đến sau gáy.
Massage bấm huyệt vùng đầu có tác dụng kích thích máu lưu thông lên não, ổn định huyết áp; chữa trị đau đầu, khó ngủ, mất ngủ, rối loạn lo âu, căng thẳng, stress…
Ở vùng mặt, các bạn chú trọng các huyệt Ấn đường, Thái dương, Nghinh hương, Toản trúc…; massage khu vực mắt và quanh miệng. Lưu ý khi massage mặt, cần tuân thủ nguyên tắc massage theo hướng từ dưới cằm lên trên phía thái dương; từ phía trong sống mũi di chuyển ra ngoài mang tai.
- Vùng vai gáy:
Có tác dụng giảm đau mỏi vai gáy, mang lại sự dễ chịu và thư giãn. Các huyệt đạo cần tác động ở khu vực này là huyệt Đại chùy, Kiên tỉnh, Phong trì, Phong môn, Đốc du.
Cách massage bấm huyệt là day ấn trực tiếp vào huyệt đạo; tiếp đến, làm các động tác xoa bóp, vuốt, miết từ gáy di chuyển đến 2 bên vai để làm mềm cơ và thả lỏng cơ; giảm đau nhức do căng cứng cơ.
- Massage vùng lưng:
Là nơi có cột sống nên rất dễ gặp các triệu chứng đau lưng do thoái hóa đốt sống, thoát vị đĩa đệm, đau mỏi cơ lưng…Massage lưng sẽ giúp giảm các triệu chứng này đáng kể. Các động tác thường áp dụng massage lưng là đấm, bóp, băm, chặt…dọc theo cơ bắp ở hai bên cột sống. Lưu ý tránh không tác động vào cột sống để tránh tổn thương đốt sống.
- Massage tay, chân:
Cách tiến hành là massage lần lượt cho từng cánh tay và từng chân. Kỹ thuật massage cơ bản là xoa bóp cơ bắp; vuốt, miết dọc theo cơ tay, chân từ trên xuống dưới. Tiếp đến, làm động tác rung lắc để giảm mỏi cơ và thả lỏng cơ xương khớp ở tay và chân.
Nên duy trì massage bấm huyệt toàn thân thường xuyên để nâng cao sức khỏe. Ngoài ra, nếu cơn đau mỏi xuất hiện ở bộ phận cơ thể nào thì các bạn có thể áp dụng kỹ thuật massage phù hợp ở vị trí đó.