Căng cơ chân là tình trạng thường gặp ở những người phải vận động chân quá sức hoặc quá lâu như làm công việc phải đứng hoặc đi lại nhiều, chơi thể dục thể thao hoặc tư thế vận động sai cách…Căng cơ chân ảnh hưởng rất lớn đến sự di chuyển, hoạt động cũng như sức khỏe của người bệnh; do vậy khi bị căng cơ chân, các bạn cần biết cách áp dụng một số phương pháp để giảm thiểu các triệu chứng khó chịu và giúp đôi chân nhanh chóng phục hồi.
Trước hết, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về những nguyên nhân thường gặp dẫn đến tình trạng bị căng cơ chân. Nguyên nhân đầu tiên là cơ chân bị tổn thương trong quá trình hoạt động, tập luyện thể thao với cường độ cao mà không khởi động kỹ; Khi đôi chân hoạt động quá sức gây sức ép dồn lên cơ bắp và xương khớp ở chân; hoặc khi bị chấn thương do va đập… cũng là nguyên nhân thường gây ra căng cơ.
Căng cơ chân ảnh hưởng không nhỏ đến sự hoạt động, di chuyển và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh; nếu không được chữa trị kịp thời có thể gây biến chứng để lại những hậu quả nặng nề như bị co cơ, cơ bắp suy yếu, mất khả năng vận động…
Những phương pháp có tác dụng giảm tình trạng đau nhức, mệt mỏi do căng cơ chân có thể thực hiện tại nhà để các bạn tham khảo là: chườm lạnh để giảm sưng tấy, đau nhức tại phần cơ bắp bị tổn thương, kích thích lưu thông máu tốt hơn, giúp nhanh chóng phục hồi cơ bắp.
Đặc biệt, massage xoa bóp là liệu pháp có tác dụng giảm tình trạng căng cơ chân hiệu quả. Massage có tác dụng giúp thư giãn, thả lỏng, làm mềm cơ; kích thích máu lưu thông đến vùng cơ bị căng, đau để giúp nhanh chóng phục hồi.
Cách massage giảm căng cơ chân là các bạn sử dụng các động tác massage cơ bản như xoa bóp, day ấn, nắn, vuốt, vỗ, rung, lắc…tác động trực tiếp lên vị trí, khu vực cơ bị đau. Khi thực hiện massage chân, có thể kết hợp sử dụng một loại tinh dầu massage tính chất nóng như dầu gió, dầu quế, dầu bạc hà… Dùng tinh dầu xoa xát lên vị trí bị đau để tinh dầu thẩm thấu sâu vào trong da, giúp thư giãn cơ bắp.
Sau khi massage, các bạn đứng thẳng người làm động tác dùng hai tay vỗ lần lượt từ trên mông xuống đến tận mắt cá chân, bàn chân. Vỗ ở phía ngoài chân và vỗ ngược từ bàn chân lên đến háng theo phía trong cẳng chân.
Massage bàn chân và lòng bàn chân cũng có tác dụng giảm căng cứng cơ chân rất hiệu quả. Cách thực hiện là dùng hai tay ôm đỡ lấy bàn chân ở bên bị đau và dùng hai ngón tay cái day ấn theo chuyển động tròn vào các điểm khác nhau ở lòng bàn chân. Massage xoa bóp kỹ khu vực gót chân, mắt cá chân lên đến tận bắp chân nhiều lần cho đến khi cảm thấy cơn đau giảm đi và dễ chịu hơn.
Để hạn chế bị căng cơ chân, các bạn chú ý nên khởi động kỹ trước khi lao động nặng hoặc chơi thể dục thể thao cường độ cao; nhớ uống đầy đủ nước trước khi tập luyện để ổn định thân nhiệt, ngăn ngừa chuột rút; nghỉ ngơi đầy đủ sau khi làm việc, tập luyện cường độ cao là rất cần thiết để cơ bắp có thời gian phục hồi.