Răng là cơ quan giúp con người nhai, nuốt thức ăn, chuẩn bị để tiêu hóa. Do phải làm việc liên tục, cộng với việc tiếp xúc với mọi loại thức ăn nên răng dễ bị viêm nhiễm và tổn thương. Điều này sẽ hình thành nên những cơn đau nhức sâu bên trong hoặc bên ngoài bề mặt của răng, gây ra ê buốt, khó chịu. Đau răng rất phổ biến, ai cũng có thể bị đau nhức răng.
Khi bị đau răng, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức dữ dội mỗi khi ăn hoặc cắn vào đồ ăn; nướu có dấu hiệu sưng đỏ, chuyển màu và bị viêm; đau nhức và ê buốt kéo dài không thuyên giảm; sốt cao; răng dễ nhạy cảm hơn bình thường, đau và buốt khi ăn những loại thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh; chân răng hoặc nướu rất dễ bị chảy máu khi đánh răng… Đau răng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày và cả tâm lý cũng như tinh thần của người bệnh.
Ở bên trong răng, mô tủy có chứa nhiều mạch máu, dây thần kinh. Đây là vùng rất nhạy cảm, nếu như bị tác động hoặc tổn thương thì sẽ kích thích lên khắp vùng đầu, dễ bị nhiễm trùng răng và đau đớn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đau nhức răng, cụ thể như sau:
- Sâu răng: không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng có thể bị sâu răng. Sâu răng hình thành khi các vụn thức ăn còn bám dính trên men răng làm ăn mòn bề mặt răng. Sâu răng sẽ làm lớp men này bị phá hủy, sau đó tấn công vào phần ngà răng, tạo ra những lỗ sâu đen li ti trên răng. Nguy hiểm hơn khi sâu răng còn có thể tấn công vào phần tủy răng khiến cho răng bị tổn thương nặng nề, gây đau nhức cực kì khó chịu cho người bệnh.
- Viêm tủy: tủy răng rất nhạy cảm, rất dễ bị tác động. Vi khuẩn xâm nhập vào phần tủy răng làm tủy bị sưng lên gây đau răng nghiêm trọng, lâu ngày sẽ dẫn đến viêm ở tủy. Răng sâu kéo dài không được điều trị dứt điểm cũng có thể gây viêm ăn vào sâu tủy răng. Khi bị viêm tủy, người bệnh sẽ cảm nhận được những cơn đau răng dữ dội, đau hơn vào ban đêm, việc ăn uống cũng trở nên khó khăn hơn.
- Viêm nướu, viêm nha chu: viêm diễn ra nhanh. Dấu hiện đầu tiên của viêm chính là chảy máu răng và nướu, răng ê buốt. Nếu để lâu ngày có thể gây nhiễm trùng răng.
- Áp xe răng: răng miệng bị nhiễm trùng rồi lan sang các vùng khác, hình thành mủ ở chân răng, gây viêm tủy, viêm hạch, mất răng, chèn ép vào dây thần kinh gây đau đớn.
- Mọc răng khôn: răng mọc ngầm sâu bên trong gây đau đớn.
Khi bị đau răng, người bệnh nên đến nha khoa khám càng sớm càng tốt để biết rõ nguyên nhân gây đau đớn. Bên cạnh đó, nên có kế hoạch vệ sinh răng miệng sạch sẽ, ăn uống khoa học kết hợp với massage để giảm đau nhức răng. Cách thực hiện như sau:
- Dùng các ngón tay dò tìm điểm đau.
- Ấn ngón xuống rồi day bên ngoài da mặt, nơi có điểm bị đau.
-Thực hiện day ấn theo chuyển động tròn.
Bên cạnh đó, các bạn cũng nên lưu ý khám định kỳ răng miệng để bảo vệ răng khỏi viêm nhiễm.